1
Tư Vấn Du Lịch Dành Cho Bạn

Vị ngọt ngào thơm bùi đến khó quên của kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

Đặc sản kẹo cu đơ
Làm ra kẹo cu đơ là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo

“Chè xanh thêm chút gừng cay

 Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”.

Ai đó một lần ghé thăm Hà Tĩnh mà chưa thử một miếng kẹo cu đơ, uống hớp chè xanh thì thật sự là quá uổng phí. Vị ngọt thơm của mật mía, cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng của loại đặc sản nổi tiếng này sẽ khiến người ăn nhớ mãi không quên.

Người Hà Tĩnh coi cu đơ như linh hồn của quê hương vừa giản dị, chân phương, lại ngọt ngào tình quê, thường chọn làm quà biếu khách quý hay mang theo mỗi khi đi xa. Nó gợi lại trong tâm hồn những người con xa xứ bao cảm xúc về mảnh đất khô cằn sỏi đá nhưng vô cùng ấm áp và bình dị này.

Cầm miếng bánh cu đơ trên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dẻo quẹo, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi của lạc, thực sự là rất tuyệt vời. Đặc biệt, khi nghe nguồn gốc tên gọi món kẹo ngon này nhiều người cảm thấy vô cùng thú vị.

Ngày xưa, ở một làng thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một gia đình nọ có hai người con trai khôi ngô tuấn tú. Nhưng họ nghèo đến nỗi làm quần quật suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, thế nên không có tiền lấy vợ cho con.

Đặc sản kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ ngày nay, cầu kỳ và bắt mắt

Vậy mà đến một ngày nọ, cậu con trai cả vẫn thưa với bố mẹ là sẽ cưới vợ. Không có đồ sính lễ, người cha mới đánh liều nấu mật mía sôi lên rồi đổ lạc vào. Khi đem ra đãi, ai ăn cũng thấy ngon. Được mọi người ưa thích, ông tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận.

Ban đầu nó có tên là kẹo lạc nhưng người ta thấy như vậy là bất công cho người sáng chế nên gọi là kẹo “cu Hai” (một người cha có hai thằng con trai). Khi phong trào Tây học nở rộ, từ “Hai” được đổi thành “Deux” (tiếng Pháp có nghĩa là hai, số 2). Và khi kết hợp cách gọi Việt - Pháp là “cu deux” (cu đơ).

Kẹo cu đơ ngày nay, cầu kỳ và bắt mắt hơn rất nhiều. Lạc được chọn làm nhân phải là lạc đồi, giòn, đều hạt, vỏ ngoài mỏng và bóng. Mật mía phải là thứ mật sánh, thơm và đặc như mật ong. Bánh tráng không quá dày cũng không quá mỏng.  Cùng với đó, những củ gừng tươi già, thơm, vỏ căng bóng được đem rửa sạch đất cát, để ráo và thái nhỏ.

Kẹo cu đơ đơn giản là thế, nhưng để làm ra là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ và phải có bí quyết riêng. Quá trình giữ lửa được xem là một trong những khâu quan trọng đảm bảo sự thành công của mẻ kẹo. Nếu lửa quá to, mật sẽ bị bén đáy nồi, gây khét. Lửa nhỏ thì không đủ độ để làm giòn hạt lạc. Do đó, cái khéo của người làm là giữ lửa cháy cho đều.

Mặc dù chỉ là sự kết hợp từ các nguyên liệu bình dân, đơn giản nhưng bằng sự khéo léo của người dân Hà Tĩnh, món kẹo cu đơ đã trở thành đặc sản có tiếng trên khắp cả nước. Ngày nay, ai đến đây cũng phải tìm mua những bọc kẹo ngọt ngào để làm quà tặng người thân, bạn bè.

/**/