1
Tư Vấn Du Lịch Dành Cho Bạn

Bánh trứng kiến Cao Bằng dậy vị ngậy bùi khó quên

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

Bánh trứng kiến, đặc sản của vùng đất Cao Bằng

Lên Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5, du khách không chỉ được ngắm khung cảnh nên thơ, cảnh mưa rừng, sương trắng, đất trời đẹp như một bức tranh… mà còn có dịp được thưởng thức một loại bánh đặc trưng cho nền văn hóa ẩm thực của người dân tộc Tày, đó là bánh trứng kiến.

Chuyện kể rằng, loại bánh này được ra đời từ một cuộc thi kén rể của người dân tộc Tày thủa xa xưa. Khi đó, một gia đình người Tày có cô con gái xinh đẹp, kén rể bằng cách chọn chàng trai nào làm được món ăn ngon, độc lạ làm con rể. Có rất nhiều chàng trai mang các loại sơn hào hải vị đến làm bánh với mong ước lấy được nàng dâu xinh đẹp, nhưng tất thảy đều bị từ chối.

Còn chàng trai nghèo ở gần đó không có tiền để mua cao lương, mỹ vị nên đã đi lên rừng sâu để tìm kiếm nguyên liệu. Anh nhìn thấy một tổ kiến to bám trên thân cây và nghĩ rằng, nếu nhộng ong, nhộng tằm ăn được thì nhộng kiến cũng ăn được. Vì thế, anh trèo lên cây chặt tổ kiến xuống, bổ ra thấy trong đó toàn những nhộng non trắng tinh.

Anh bèn nghĩ ra cách dùng nhộng kiến rang thơm lên để làm nhân bánh nếp. Không ngờ khi mang món bánh bình dị này đến hỏi vợ, thì lại được ông bố cô gái tấm tắc khen ngon và đồng ý gả con gái cho chàng trai nghèo.

Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy, tròn trịa 

Từ đó, cứ đời nọ truyền đời kia, vào khoảng tháng 5 hàng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh trứng kiến, bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Để có được cách làm bánh trứng kiến ngon, người dân phải lên rừng tìm những ổ kiến đen lành làm tổ trên những loại cây như cây vầu, nứa hay cây găng. Trứng kiến rất nhỏ thường to bằng hạt gạo mà thôi, có màu trắng sữa, thân mẩy, tròn trịa và hương thơm thoang thoảng hấp dẫn.

Sau khi lấy về, trứng kiến được tẩm chút muối rồi phi lên giúp tạo độ thơm và béo ngậy, mặn mặn cho nhân bánh. Nhân bánh làm hoàn toàn bằng trứng kiến sẽ cho hương vị tuyệt vời nhất, tuy nhiên, nếu số lượng trứng kiến không nhiều thì người dân trộn trứng kiến với thịt băm nhỏ, hành khô, vừng lạc rang giã nhỏ rồi phi lên để làm nhân bánh. Cách làm sáng tạo này cũng tạo ra một thứ nhân bánh vô cùng hấp dẫn và thơm ngon.

Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương đều, hạt to và dẻo ngon. Gạo đãi thật sạch rồi ngâm sơ qua với nước lạnh để qua đêm, tiếp tục để thật ráo nước, xay thành bột và nhào nặn cho thật mịn, dẻo. Tiếp đến cán bột mỏng thành hình vuông dày 0.5 cm, to cỡ bàn tay.

Bánh trứng kiến dẻo thơm, bùi bùi, quyến rũ thực khách

Đặc biệt, phần lá để gói bánh trứng kiến không phải lá chuối, lá dong như nhiều loại bánh khác, mà dùng lá vả. Phải chọn lá bánh tẻ, không quá già, không quá non vì nếu lá già quá thì khi ăn sẽ có sơ. Còn nếu lá non quá khi hấp bánh sẽ dễ bị bục ra làm bánh mất hình dạng và độ thơm ngon.

Đặt lá vả xuống 1 mặt phẳng, ốp miếng bột vừa nhào nặn lên trên lá vả, rồi rải đều nhân bánh được làm từ trứng kiến lên trên phần bột. Cuối cùng là gập đôi lá vả lại sao cho khéo để phần bánh và nhân không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 1 tiếng là chín rồi đó.

Khi ăn, phần lá vả cho cảm giác man mát giúp giải nhiệt cơ thể, phần vỏ bánh làm từ nếp nương dẻo thơm rất tuyệt vời. Nhưng ngon nhất là khi ăn tới phần nhân bánh, vị thơm bùi của trứng kiến lan tỏa trong miệng chắc chắn sẽ làm bạn thích thú đến độ có thể thưởng thức hết veo cả 1 đĩa mà không thấy chán.

Mùa bánh trứng kiến cũng trùng với ngày Tết hàn thực, nên đây là một trong những món khoái khẩu của nhiều người thích đặc sản vùng cao. Ngoài giá trị dinh dưỡng dồi dào, bánh trứng kiến còn chinh phục người ăn bằng vị dẻo thơm, bùi bùi được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.

/**/